Chàng trai 'hô biến' mặt bàn thành những sinh vật biển độc đáo, thu 1 tỉ đồng/năm
Từ chất liệu keo Epoxy Resin, anh Đậu Viết Tùng (31 tuổi, sống tại TP.HCM) đã “thiên biến vạn hóa” mặt bàn gỗ thành những sinh vật độc đáo và đầy màu sắc dưới đáy biển.
Anh chàng thợ mộc 'hô biến' mặt bàn thành những sinh vật biển độc đáo HIẾU KHA |
Từ dân kinh doanh chuyển sang… làm mộc
Vốn là cử nhân ngành quản trị kinh doanh và gắn bó với công việc bàn giấy được một thời gian, anh Tùng lại trỗi dậy đam mê với nghề mộc. Vì vậy, sau 2 năm làm đúng chuyên ngành, anh rẽ hướng và hợp tác với một người bạn để mở một xưởng chuyên cung cấp đồ trang trí nội thất từ gỗ.
Anh kể: “Một lần, tôi tình cờ xem được những sản phẩm làm từ keo Epoxy Resin của những nghệ nhân nước ngoài trên các nền tảng YouTube, Pinterest. Càng tìm hiểu, tôi càng mê đắm sự kỳ công và tinh xảo của những loại sản phẩm này. Sẵn có vốn liếng hiểu biết về gỗ, tôi đã mày mò nghiên cứu đặc tính của keo Epoxy Resin và quyết định kết hợp với gỗ tự nhiên để cho ra đời các sản phẩm nội thất độc bản và mang tính thẩm mỹ cao”.
Sản phẩm của Tùng |
Theo anh Tùng, Epoxy Resin là loại nhựa nhiệt rắn có độ tùy biến cao vì có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó là chế tác nghệ thuật. Tận dụng lợi thế này, anh đã bắt tay vào sáng tạo các tác phẩm bàn gỗ mô phỏng lại thế giới đại dương kỳ vĩ với những tạo vật mực, tôm, sứa biển cùng những rặng san hô đầy màu sắc.
Loại gỗ anh Tùng chọn sử dụng chủ yếu là gỗ tận dụng (gỗ mục, gốc rễ, gỗ rỗng). Theo đó, quá trình tạo tác sản phẩm từ Epoxy Resin bao gồm 5 công đoạn: lên ý tưởng; lựa chọn phôi gỗ phù hợp để lên khuôn; tạo hình chi tiết sản phẩm; đổ keo và tháo khuôn làm nguội; chà nhám và phủ sơn/đánh bóng sản phẩm. Anh cho rằng người thợ phải có sự tỉ mỉ xuyên suốt quá trình chế tác vì tất cả công đoạn đều liên quan đến nhau.
“Có rất nhiều lỗi phát sinh trong quá trình làm thực tế mà người thợ cần lưu ý. Chẳng hạn như không kiểm soát được bọt khí, quá nhiệt hay cũng có lỗi chủ quan như người thợ đổ keo xong không che chắn cẩn thận khiến sản phẩm đóng bụi. Ngoài ra, việc lựa chọn đầu vào nguyên liệu cũng rất quan trọng. Phôi gỗ được chọn phải là gỗ không mối mọt, cong vênh”, anh Tùng cho biết.
Anh nhấn mạnh tổng thể một sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu nếu được chăm chút nhiều về ý tưởng nhưng độ hoàn thiện không tốt (đánh bóng chưa đúng cách, bề mặt lồi lõm) hoặc chỉn chu về mặt kỹ thuật nhưng lại cẩu thả, sơ sài về mặt thẩm mỹ.
Vì độ phức tạp cũng như muốn đảm bảo tính sáng tạo cao, có nhiều tác phẩm anh mất đến 3 tuần, thậm chí 1 tháng rưỡi để hoàn thành. Anh chọn chủ đề thế giới biển cốt là để truyền tải vẻ đẹp tuyệt diệu của đại dương cũng như muốn gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường.
Không muốn lặp lại chính mình
Sau một thời gian theo đuổi lĩnh vực chế tác nghệ thuật từ Epoxy Resin, anh Tùng nhận ra trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mang tính rập khuôn. Không chấp nhận đi theo lối mòn, anh Tùng quyết định trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác như kỹ năng điêu khắc, kỹ năng nặn đất sét, kỹ năng vẽ 3D, sơn màu airbrush… cũng như sử dụng thêm một số vật liệu như sỏi đá, kim loại, lục bình, xi măng để tung tẩy sáng tạo với sản phẩm của mình.
Bên cạnh những lớp dạy nghề Epoxy Resin trực tiếp tại TP.HCM, anh Tùng còn mở nhiều khóa đào tạo từ xa tại Đà Nẵng, Hà Nội, Bến Tre |
Trong gần 7 năm làm nghề, anh đã thử nghiệm chế tác những layout phức tạp như “Đầm lầy cá sấu”, “Xác ướp Ai Cập”, “Xương loài rồng” và gần đây nhất là tác phẩm “Bể cá san hô” (nano reef tank) với độ dụng công trong từng chi tiết.
Bên cạnh sản phẩm nội thất truyền thống là bàn gỗ, anh Tùng còn phát triển nhiều dòng sản phẩm đa dạng như tranh ảnh, trang sức, đèn ngủ, kỷ niệm chương, tiểu cảnh diorama… Đặc biệt, anh còn có những sản phẩm Customize (tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng) như quầy bar pha lê, sàn nhà Epoxy…
Nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm nghệ thuật ngày càng tăng mạnh, từ cuối năm 2019, anh Tùng đã đứng ra mở các khóa học dạy nghề Epoxy resin với quy mô trải dài trên cả ba miền. Đến nay, anh đã “bỏ túi” cho mình trên dưới 200 khóa học lớn nhỏ. Bên cạnh đó, anh thường tổ chức những buổi workshop miễn phí vào cuối tuần để giải đáp thắc mắc của mọi người trong việc ứng dụng Epoxy Resin vào thiết kế nội thất cũng như hướng dẫn họ tự tay chế tác một sản phẩm cơ bản.
Ngoài ra, nhờ việc đầu tư kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Etsy, các sản phẩm của anh Tùng còn vươn đến cả thị trường Mỹ, góp phần mang lại ngoại tệ cho nước nhà. Do vậy, doanh thu của anh mỗi năm đều trên 1 tỉ đồng.
Từng “tầm sư học đạo” anh Tùng cách đây 2 năm và giờ đây đã có riêng một cơ sở làm sản phẩm từ Epoxy Resin tại TP.HCM, anh Dương Thanh Hải (24 tuổi) chia sẻ: “Trong 1 tháng theo học, tôi được anh Tùng hướng dẫn tận tình từ việc dùng máy móc chuyên dụng đến xử lý những sự cố phát sinh khi chế tác. Cũng nhờ anh, tôi còn biết tận dụng những phần gỗ dư thừa, bị bỏ đi để kết hợp với Epoxy Resin và cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp lạ”.
“Tôi dự định sẽ “thổi hồn” cảnh sắc quê hương Việt Nam vào trong những tác phẩm sau này với mong muốn quảng bá nét đẹp nước nhà đến bạn bè quốc tế. Gắn bó với Epoxy Resin đã lâu, tôi tin việc kết hợp chất liệu này với các loại vật liệu thông dụng trong thiết kế nội thất sẽ là xu thế trong thời gian tới”, anh Tùng bày tỏ.